Cảnh báo tình trạng lạm dụng nhân sâm
Hiện nay, rất nhiều người lạm dụng sâm khi cho rằng nhân sâm là loại thuốc bổ và trị được bách bệnh, nếu không không trị được bệnh cũng không hại gì. Thậm chí, có một số người dùng nhân sâm và chế phẩm với liều quá cao, hoặc quá dài ngày, dẫn đến ngộ độc "nhân sâm".
Sâm lâu năm cũng phải dùng đúng lúc
Trước tâm lý chuộng sâm của người tiêu dùng, các nhà sản xuất, kinh doanh đua nhau "lăng xê" nhân sâm thành mặt hàng thời thượng. Giá trị của sâm tùy thuộc vào độ tuổi thọ, sâm có tuổi thọ càng cao thì giá càng cao.
Theo một chủ cửa hàng đông dược trên đường Hải Thượng Lãn Ông (TP.HCM), giá cả cũng khá đa dạng từ bình dân đến cao cấp, giá các loại sâm đã đóng hộp dao động từ 150.000 đồng đến 500.000 đồng/g tùy vào xuất xứ và độ tuổi của sâm. Một củ sâm khô 250g có tuổi đời 18 năm đóng trong hộp nhung kính, giá 4 triệu đồng; củ sâm 400g, 40 tuổi, giá khoảng 12 triệu đồng.
Giá trị của sâm tùy thuộc vào tuổi thọ; sâm có tuổi thọ càng cao thì giá càng cao. Tuy nhiên, việc xác định độ tuổi của sâm quả là quá khó với người tiêu dùng bình thường, ngay cả các chủ cửa hàng đôi khi cũng "lơ mơ".
Ngoài sâm củ, hiện nay những chế phẩm từ nhân sâm cũng được bày bán khá nhiều. Không chỉ hiện diện trong các siêu thị, những loại trà sâm bày bán khá nhiều ở hiệu thuốc. Ở đây, người mua có thể tìm thấy đủ các chủng loại từ chè tan liền, chè túi lọc, tinh chất, sâm củ, sâm lát, trà sâm... được nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc và cả hàng trong nước sản xuất.
Nhân sâm tốt cho sức khỏe, những gia đình có điều kiện kinh tế tốt thường tìm mua nhân sâm loại lâu năm về dùng. Tuy nhiên, do hiểu biết không đầy đủ nên có phần lạm dụng thái quá nhân sâm. Sâm cũng được dùng trong cấp cứu, choáng trong các thời điểm cực nguy của bệnh nhân, có thể đổ nước sâm cho bệnh nhân uống để kéo dài sự sống. Sâm bổ nhưng vẫn là vị thuốc nên không phải muốn dùng thế nào cũng được.
Hơn nữa, không phải ai cũng dùng được sâm. Theo lương y Nguyễn Văn Huệ - Chủ tịch Hội Đông y quận Tân Bình, muốn dùng nhân sâm cho đúng, trước hết cần phải biết loại sâm nào dùng cho bệnh nào, vì không phải mọi loại sâm đều có công dụng như nhau.
Nhân sâm chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị với những trường hợp cụ thể: Người suy yếu, mệt mỏi, chán ăn, đi tiêu phân lỏng, vã mồ hôi hột, mồ hôi ra không dứt, làm việc nặng thì hơi thở gấp, tim đập nhanh, hồi hộp, hay quên, hoa mắt, chóng mặt, yếu sinh dục, băng kinh, băng huyết, rong kinh cấp, ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều; mặt bệnh, vàng sạm, xanh sạm, mạch hư...
Nhiều tác dụng phụ
Có một điều ít người biết, đó là nếu dùng không đúng, nhân sâm sẽ gây ngộ độc, làm bệnh nặng thêm, thậm chí gây chết người. PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: Nhân sâm có hại cho người bị huyết áp và xơ cứng động mạch.
Nếu người lớn uống rượu sâm nồng độ 3%, khoảng 100ml thì có cảm giác hưng phấn không yên, uống 200ml có biểu hiện trúng độc với những biểu hiện ngộ độc "nhân sâm": Tăng huyết áp, chảy máu mũi, thần kinh hưng phấn quá độ (gây ra phiền toái, không yên, mất ngủ, dễ bị kích thích, đau đầu, chóng mặt...), nổi mề đay, mẩn ngứa, thậm chí co giật... Đối với người cao tuổi, đặc biệt là người bị xơ cứng động mạch và huyết áp cao không nên dùng nhân sâm.
Vì trong nhân sâm có chứa chất chống phân giải chất béo, làm tăng lượng mỡ ở các cơ quan, có hại cho những người huyết áp cao và xơ cứng động mạch. Với những người bệnh về hô hấp, nếu dùng nhân sâm sẽ làm bệnh nặng thêm, dùng nhiều có thể dẫn đến tử vong.
Theo bác sĩ Hoài Nam không ít người vẫn quan niệm trẻ nhỏ đang ở thời kì cần phát triển nên cần bồi bổ cho trẻ bằng những "thần dược" như nhân sâm, trà sâm, trà linh chi... sẽ rất tốt. Khi trẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương, suy nhược cơ thể sau ốm, thiếu máu... thì Đông y có sử dụng thành phần nhân sâm trong một số bài thuốc để hồi phục sức khỏe, bồi bổ cơ thể cho trẻ nhỏ.
Bác sĩ sẽ kê toa thích hợp, người bệnh phải dùng đúng cách, không nên lạm dụng. Thực tế, nhân sâm không phải là chất dinh dưỡng nhất thiết bổ sung trong quá trình tăng trưởng, cũng như tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Tags: