Phạm Hoàng Mạnh Hà: Chồng phố - chồng quê hay câu chuyện 'nửa quả bóng'
(aFamily) - Đừng vì một vài “Tiểu thư Hà Thành làm gái gọi cao cấp đầy ra đấy” đã vội vã quy kết con gái Hà Nội là đồ bỏ đi...
Phạm Hoàng Mạnh Hà: chồng phố - chồng quê hay câu chuyện về quả bóng hai màu
“Cô mong rằng từ nay về sau, trước khi phát biểu điều gì, mỗi em hãy tự ngẫm nghĩ và nhìn nhận sự việc ở nhiều góc độ, nhiều thái cực. Đừng vì chỉ thấy cái chân voi mà vội vã nói rằng con voi giống cái cột nhà, muốn chữa bệnh thì hãy đọc cho hết sách, chớ nên hấp tấp phán rằng “phúc thống phục nhân sâm” (đau bụng uống nhân sâm)
Người đang đắm trong men say của tình yêu, hạnh phúc sẽ khuyên em lấy Trung; kẻ bức bối với những ràng buộc về vật chất sẽ hướng cho em chọn Tuấn. Đi cùng với những ý kiến ấy là hàng hàng lớp lớp dẫn chứng, lí lẽ và cả những câu chuyện có thật đủ để em lạc trong mê hồn trận bởi dường như ai nói cũng có lý.
1.
Tôi xin bắt đầu bằng câu chuyện về cuộc cãi nhau của hai đứa trẻ (chúng có thể đang học tiểu học hoặc lớn hơn một chút)…
Chúng cãi nhau, (có thể vì một lí do chẳng đâu vào đâu) hăng hái lắm, đứa nào cũng cho rằng mình đúng và đương nhiên là chẳng đứa nào chịu nhường nhịn, đến mức suýt nữa thì xảy ra ẩu đả. Những tưởng rằng cuộc đấu khẩu không thể đi đến hồi kết thì vừa kịp lúc cô giáo xuất hiện. Cô giáo tách hai đứa ra hai góc lớp rồi lấy ra một vật được gói kín trong các lớp giấy báo, đặt lên bàn. Cô chậm rãi lần giở từng lớp giấy bọc: vật lạ là một quả bóng. Cô giáo hỏi cậu thứ nhất: em thấy quả bóng màu gì? Đứa trẻ hùng hổ: màu đen, nhất định là màu đen, “khôn ngoan nhất” là trả lời quả bóng màu đen. Không kịp để cho bạn dứt lời, đứa trẻ kia nhảy bổ lên: Thật là phiến diện và xấu hổ cho cách nghĩ của bạn! Quả bóng màu trắng…
Cuộc tranh luận cũ chưa kịp lắng xuống đã phát sinh cuộc tranh luận mới, hai đứa trẻ đỏ mặt tía tai và hăng như hai con gà chọi bởi rất đơn giản, chúng tin vào những gì chúng nhìn thấy. Cô giáo gói quả bóng lại và bảo hai cậu học trò đổi chỗ cho nhau. Quả bóng lại được mở ra và câu hỏi tiếp tục được cô giáo lặp lại. Kì lạ chưa! Đứa trẻ thứ nhất như không tin vào mắt mình khi thấy quả bóng đã biến thành màu trắng. Đứa kia thì liên tục tự vả vào mặt vì nghĩ rằng đang trong cơn mê: vật thể trước mặt nó rõ ràng là màu đen chứ không phải màu trắng như nó vừa khẳng định. Cả hai đều cảm thấy ngơ ngác, bối rối.
Rất dịu dàng, cô giáo từ từ xoay nhẹ: quả bóng được sơn làm hai màu, một nửa màu đen và nửa còn lại màu trắng. Chờ cho hai cậu học trò hết cơn ngượng nghịu, cô giáo ôn tồn: cả hai em đều nói đúng, nhưng chỉ đúng trong tầm nhìn của mỗi em. Yếu tố mà mỗi em căn cứ để khẳng định chân lý thuộc về mình chỉ là cái mà các em nhìn thấy được. Hãy đặt mình vào vị trí của người khác; vì khi đứng ở góc độ ngược lại thì sự việc đã không còn hiện hữu như các em vẫn nghĩ. Cô mong rằng từ nay về sau, trước khi phát biểu điều gì, mỗi em hãy tự ngẫm nghĩ và nhìn nhận sự việc ở nhiều góc độ, nhiều thái cực. Đừng vì chỉ thấy cái chân voi mà vội vã nói rằng con voi giống cái cột nhà, muốn chữa bệnh thì hãy đọc cho hết sách, chớ nên hấp tấp phán rằng “phúc thống phục nhân sâm” (đau bụng uống nhân sâm)…
Từ cuộc tranh luận giữa hai đứa trẻ, dễ dàng hiểu được và cảm nhận được “lửa” đang cháy rất dữ dội giữa hai phe: Hà Nội và Tỉnh lẻ (tạm gọi là như thế) với không ít comment bị xóa vì quá khích. Tâm lý vùng miền theo kiểu độc tôn chủ nghĩa thực sự đã ăn sâu bén rễ trong nếp suy nghĩ của đa số người Việt. Nhưng chính vì tầm nhìn một chiều theo kiểu “Tôi chỉ muốn nói về những điều tôi đã thấy, nếu có điều gì phản bác thì hẳn đó là điều tôi chưa thấy” (Xem bài Gái tỉnh lẻ đang “cuỗm” hết trai Hà Nội của chúng tôi!) đã đưa đến những luận điểm phiến diện và phơi bày sự non nớt trong suy nghĩ của tác giả.
Dù là “Hà Nội” hay “Tỉnh lẻ” thì những điều chúng ta đã thấy, đã biết đều quá ít ỏi, và liệu mấy ai trong số chúng ta có đủ sự trải nghiệm cần thiết để có thể đúc kết, đưa ra những nhận định đủ sức khái quát ôm trùm cả một vùng đất. Vậy nên, nếu cứ mải mê ăn thua sẽ vướng vào những nhận định mang tính chủ quan, hời hợt theo kiểu “ăn khoai cả vỏ”. Đừng vì một vài “Tiểu thư Hà Thành làm gái gọi cao cấp đầy ra đấy” đã vội vã quy kết con gái Hà Nội là đồ bỏ đi. Cũng đừng vì chứng kiến vài trường hợp quyết tâm bám trụ lại các thành phố lớn bằng mọi giá để rồi hồ đồ phát biểu “gái nào mà chẳng mê lấy chồng Hà Nội”. Rõ ràng vẫn tồn tại những suy nghĩ đối lập khi Đức Anh “muốn lấy vợ thành phố”, nhưng Bống lại sẵn sàng “Từ chối nhiều đại gia để yêu một anh tỉnh lẻ”… (lí do vì sao thì tôi sẽ phân tích sau). Nghề của tôi phải đi nhiều, và tôi đã thực sự kinh ngạc khi tận mắt chứng kiến sức tiến có thể nói là như vũ bão ở các làng quê. Các “tỉ phú nông thôn” vung tiền như Ngộ Không vung thiết bảng. Ở chiều ngược lại, rõ ràng dòng thác di dân từ nông thôn về các đô thị đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
“Thành thị” hay “Nông thôn”, “Hà Nội” hay “Tỉnh lẻ” - điều quan trọng khi mỗi cá nhân “phô trương thanh thế” không phải mình có gì mà “đối phương” cần gì. Giá như chúng ta có thể nhìn thấy những bạn nữ thành đạt, một mình gây dựng cơ nghiệp ở thủ đô và lập gia đình theo tiếng gọi của tình yêu thì chắc chắn sẽ không còn những ý kiến “Gái nào mà chẳng mê lấy chồng Hà Nội”. Ngược lại, khi một cá nhân cần hộ khẩu thành phố và chỉ có cái khẩu ấy mới giải quyết được con đường đi tới tương lai thì khái niệm “tình yêu” cũng chỉ đóng vai trò thứ yếu trong việc chọn bạn đời.
Điều này lý giải vì sao có những anh chàng mấy thế hệ đều “tắm văn hóa Thăng Long”, nhà cửa đề huề, lương cao, công việc ổn định… nhưng vẫn ngậm ngùi ôm mối tình câm. Hay như trường hợp các cô gái tỉnh lẻ, rõ là sắc nước hương trời nhưng vẫn nhắm mắt đưa chân, sánh bước với “phu quân” hơn mình hàng chục tuổi để rồi lâm vào bi kịch “Đêm đêm nằm cạnh chồng già; và bên cạnh, bóng người xa hiện về”…
Tôi rất không đồng tình với những phát biểu “đao to búa lớn”, kiểu như “Trai Hà Nội bình thường quá”, “Con gái tỉnh lẻ nên biết thân phận của mình”… Tôi biết các ý kiến đang tranh luận rất gay gắt có thể dẫn ra hàng loạt “người thực việc thực” để cố gắng minh chứng cho luận điểm ấy nhưng xin được nói ngay rằng những gì diễn ra xung quanh bạn chỉ là một vài cá thể rất nhỏ nhoi. Cho dù có nhiều trường hợp đi nữa thì cũng chỉ là một nhóm người, hoàn toàn không thể và không bao giờ có thể đại diện cho cái gọi là “Hà Nội” hay “Tỉnh lẻ”. Tôi cảm thấy rất hài hước khi có những ý kiến sử dụng cụm từ “Tỉnh lẻ”, “Hà Nội”, “Nhà quê”, “Thành phố” một cách tràn lan, thậm chí còn sử dụng như một cách bôi bác nhau.
Giả sử tôi bỏ khái niệm Hà Nội và thay bằng khái niệm “Thành phố” thì gần như chắc chắn các tác giả ở Tp.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và các đô thị khác sẽ nắm tay nhau và trở thành “đồng chí”. Các bạn “tỉnh lẻ” cũng thu mình vào những ốc đảo bé hơn bởi dù là “tỉnh lẻ” nhưng vẫn có sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn, giữa phố và làng. Ấy thế nhưng, với khái niệm “giàu - nghèo” thì ngay trong lòng thủ đô cũng có sự phân hóa, thậm chí phân hóa rất rõ. Bấy giờ dù có là Hà Nội gốc đi chăng nữa thì “trai thanh gái lịch” cũng chỉ là sự lựa chọn thứ hai do hệ quả của cơn bão giá nhà đất khiến các tỉ phú “Hà Nội 2” xuất hiện ồ ạt như nấm sau mưa.
*****
Tôi tiếp tục đưa ra hai mẫu người để tác giả bài viết gốc cũng như các bạn nữ “chấm điểm” trong việc chọn… phu quân; và cũng mong được nghe ý kiến của Mr Hoàn Hảo, Boy HN nếu như hai bạn được đóng vai Hùng Vương trong cuộc thi kén rể.
1. Mẫu hình này không hiếm, đó là một anh chàng gốc thành phố, có nhà cửa nhưng hiện đang “bóc lịch” trong… trại giam đến hết đời (nguyên nhân lãnh án tù chung thân thì rất đa dạng: cướp của, giết người, buôn bán hàng quốc cấm… Đủ cả!).
2. Mẫu hình thứ hai là nhân vật đã từng “xắn quần móng lợn” vào nhà hàng nổi tiếng nhất Sài thành. Trước thái độ khinh bạc của nhân viên phục vụ, ông đã nổi xung, rút “ba toong” đập tan hoang mọi thứ ngay trước mặt chủ nhà hàng rồi thản nhiên ném ra một cục tiền để bồi thường làm “lác mắt” dân Sài Gòn “chính hiệu con nai”. Vị “công tử” này đến từ Bạc Liêu (có thể có thật mà cũng có thể chỉ là nhân vật dân gian) và còn nổi danh với các tích “đốt tiền nấu trứng”, sở hữu ruộng đất bạt ngàn khiến “chó chạy lè lưỡi”.
Hai trường hợp này có thể hơi cá biệt nhưng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng, với anh chàng mang án tù chung thân thì dù có ham hộ khẩu thành phố (và những vật chất khác) đến một trăm lần thì các cô gái cũng “bỏ danh chạy lấy người” càng nhanh càng tốt. Còn với nhân vật đến từ Bạc Liêu, nếu bạn Mai Chi “hạ cố” lấy anh chồng tỉnh lẻ đó thì đừng nói đến việc bạn muốn đảm bảo tương lai cho con cái; dù Mai Chi đủ sức sinh nở đến… lần thứ 100 thì cả trăm đứa con của bạn vẫn được “ông bố nông dân” đảm bảo một cuộc sống sung túc đến tận… răng.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều khúc xạ của việc các cô gái muôn dặm tìm chồng. Đương nhiên là anh người yêu tỉnh lẻ (cũng như người bạn trai “dự phòng”) của Mai Chi không “phân hóa” đến mức ấy nhưng tôi buộc phải đẩy sự việc đến đỉnh điểm của mâu thuẫn để bạn Mai Chi cũng như diễn đàn thấy rằng, dù vô tình hay cố ý, chúng ta đã nhận thức sai về chủ đề. Thắc mắc của Mai Chi (cũng như không ít các cô gái khác) không phải chỉ là căn nhà (cùng với cái khẩu) Hà Nội mà là sự đảm bảo về kinh tế cho cuộc sống sau này.
Vậy nên đừng cố công chứng minh giữa “Hà Nội” và “Tỉnh lẻ” giữa “thành phố” và “nông thôn”… “lực hấp dẫn” nghiêng về bên nào mà hãy đi vào những so sánh cụ thể như giữa Tuấn và Trung; Công tử Bạc Liêu và kẻ tử tù; anh A và anh B; chị X và chị Y. Một trong những yếu tố quan trọng để ổn định cuộc sống chính là cái hộ khẩu thành phố nhưng chẳng cô gái nào dại dột tới mức cứ thấy chữ “thành phố” là ôm bom cảm tử lao vào bất kể sống chết. Mai Chi hay bất kỳ cô gái nào khác, khi có ý định lấy chồng cũng đều lấy một người cụ thể với đầy đủ tên tuổi - quê hương - hành trạng. Một cuộc hôn nhân tan vỡ do chồng là tỉnh lẻ (hay Hà Nội) cũng không thể khái quát cho mức độ bền vững của cuộc sống gia đình sau đám cưới.
“Thành thị” hay “Nông thôn”, “Hà Nội” hay “Tỉnh lẻ” - nội hàm của nó lớn lắm, không nên và không thể nhét hơn 80 triệu người vào trong hai chiếc giỏ rồi nói rằng giỏ nào đáng giá hơn. Chủ đề này rất rộng, và thật sai lầm nếu chúng ta cứ cố gò vào hai hình tượng mang tính chất phổ quát: Đen và Trắng - tương đương với “Hà Nội” và “Tỉnh lẻ”. Và như vậy, vô tình chúng ta đang nhập vai rất hoàn hảo vào cuộc tranh luận vô bổ, không có hồi kết về màu sắc của quả bóng trong câu chuyện tôi vừa kể ở đầu bài viết.
2.
Quay trở lại tâm sự của tác giả bài viết gốc, dường như cả Mai Chi cũng như đa số ý kiến đều đang “lí trí hóa” chuyện lập gia đình. Đi cùng với cụm từ “nguồn gốc xuất thân” là rất nhiều yếu tố khác để đảm bảo cho cuộc hôn nhân bền vững: Tình yêu, sự vững vàng về kinh kế… Vậy nên, tôi rất ngạc nhiên khi khái niệm “lập gia đình” được đơn giản hóa đến mức tối đa như thế; chỉ cần duy nhất điều kiện nhà ở là có thể đạp bằng mọi trở ngại để… cưới nhau. Có cảm giác như con đường đi đến hôn nhân của bạn đã được “tự động hóa”, chỉ việc lên chương trình rồi bấm nút cái Remote phía sau thì nó sẽ chạy băng băng về đích.
Mai Chi tỏ ra khá sâu sắc (thực chất là rất giáo điều, sách vở) khi liệt kê hàng loạt khó khăn sau đám cưới: Công việc của Trung lương bổng cũng khá ổn. Nhưng cứ tiêu từng đấy tiền mỗi tháng để thuê nhà thì chẳng biết đến bao giờ mới mua được nhà. Rồi sau này còn sinh con sinh cái nữa, tiền nhà như thế thì tiền nuôi con, cho con đi học... sẽ lấy ở đâu ra đây? Bao giờ mới giàu được?... Tôi sẽ không nói nhiều về cái gọi là “chữ Ngờ” bởi ngay cả tôi cũng chẳng dám nói trước điều gì, chỉ lưu ý Mai Chi rằng, con đường mà vợ chồng bạn đồng hành không phải đường ray với những nhà ga cố định, sẽ có muôn vàn điều bạn không thể ngờ tới. Nếu chỉ cần một ngôi nhà chính chủ là mọi mâu thuẫn vợ chồng sẽ được giải quyết êm thấm thì sẽ không có những cuộc hôn nhân tan vỡ mà “người trong cuộc” là những đại tỷ phú “tiêu tiền như nước”…
Nói vui với Mai Chi thế này, cứ tạm coi Tuấn là người có thể đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu của bạn lúc này để không phải “nay chỗ này, mai chỗ khác”. Nhưng nếu khi bạn đã xuôi xuôi bỗng xuất hiện một anh “Tuấn phảy” (Tuấn’), anh “Tuấn phảy” này có nhà to hơn nhà anh Tuấn, do vậy cái “ước mơ làm giàu và có một cuộc sống sung túc của em sẽ có hy vọng trở thành hiện thực” nhanh hơn nữa thì sao? Em sẽ chuyển hướng qua anh “Tuấn phảy” (cứ giả sử như thế), khi đám cưới đã rục rịch chuẩn bị lại xuất hiện một anh “Tuấn hai phảy”. Anh chàng mới này còn giàu có hơn cả hai anh trước, nhà cũng to hơn, rộng hơn…
Rồi anh “Tuấn ba phảy”… rồi anh “Tuấn bốn phảy”… Cứ anh về sau lại giàu có hơn anh trước, nhà cũng đẹp hơn… Bạn do dự, và bạn lại tiếp tục chờ đợi... Cho đến một ngày kia, bạn gặp một thanh niên giàu nhất, nhà cửa to nhất, đẹp nhất, chắc chắn sẽ đảm bảo cho bạn một cuộc sống sung sướng. Bạn tiến đến... Nhưng bạn chưa kịp cất lời thì chàng trai đã lên tiếng: Cháu chào bà, bà thật… đẹp lão và phúc hậu. Bà đã làm lễ… mừng thượng thọ 80 chưa ạ! Ôi thôi! Chỉ vì quá mải mê cân nhắc, lựa chọn mà bạn quên mất rằng thời tất cả các cô gái đều sợ thời gian.
Có câu “Chồng ta áo rách ta thương, chồng người áo gấm xông hương mặc người”; nhưng cũng lại có câu “Một đêm nằm mạn thuyền rồng, còn hơn vạn kiếp nằm trong thuyền chài”. Nói như thế để Mai Chi thấy rằng, mỗi người đều đứng trước những sự lựa chọn và phải tự quyết định. Ấy thế nhưng, đưa ra lời khuyên cho Mai Chi lại là một việc làm phi thực tế bởi Mai Chi chẳng thể chọn ai lúc này. Tôi lại có cảm giác Mai Chi là một người thợ mộc đang “đẽo cày giữa đường”; rất vụng về, thiếu chính kiến và không dám quyết đoán; dù là đi theo tiếng gọi của lí trí hay con tim.
Rất có thể Mai Chi sẽ nghe tôi lúc này, nhưng sau đó lại đổi ý và nghe theo người khác; rồi lại phân vân trước một ý kiến khác nữa, rồi lại băn khoăn khi nghe một tiếng nói khác… Thêm nữa, bạn đã nhận thức quá sai lầm về vai trò của người đàn ông trong gia đình. Đó là người “bạn đời” để san sẻ buồn vui và cùng nhau gánh vác những khó khăn, cùng nhau vượt qua những khó khăn, cùng chia ngọt, cùng sẻ bùi, đó mới là điều kiện “cần” chứ không phải điều kiện “đủ” để bạn biến mình thành cây tầm gửi.
Sẽ chẳng có một lời khuyên nào có thể toàn diện, thấu tình đạt lý cho Mai Chi lúc này bởi người đang đắm trong men say của tình yêu, hạnh phúc sẽ khuyên em lấy Trung; kẻ bức bối với những ràng buộc về vật chất sẽ hướng cho em chọn Tuấn. Đi cùng với những ý kiến ấy là hàng hàng lớp lớp dẫn chứng, lí lẽ và cả những câu chuyện có thật đủ để em lạc trong mê hồn trận bởi dường như ai nói cũng có lý.
Nghe tâm sự của Mai Chi, tôi có cảm giác rằng bạn chưa sẵn sàng cho một cuộc sống gia đình, chưa toàn tâm toàn ý nghĩ đến người đàn ông sẽ đi cùng bạn suốt phần đời còn lại. Trong hoàn cảnh ấy, mọi sự lựa chọn của em đều có thể đưa đến sai lầm. Lời khuyên duy nhất của tôi dành cho Mai Chi là không nên đưa ra quyết định lúc này. Mai Chi hãy chờ một thời gian nữa, sự chuyển biến của tình cảm, của cuộc sống sẽ cho bạn câu trả lời chính xác.
Điều cuối cùng tôi muốn nói với Mai Chi là nếu chọn Trung hay gật đầu với Tuấn thì rồi sẽ có nhiều lúc em thở dài và buông ra hai tiếng “giá như”; bởi trước khi tiếp cận cột mốc quan trọng nhất của đời người con gái mà em vẫn còn phân vân giữa “tình” và “tiền” thì dù đáp án có thế nào đi chăng nữa, sự “được” và “mất” cũng không thể lấp đầy cho nhau.
Tags: