Lần Bác ốm ở Tân Trào
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Hồi tháng 7-1945, giữa lúc khí thế tổng khởi nghĩa đang dâng trào thì Bác Hồ bị ốm nặng, lúc tỉnh lúc mê. Tôi làm việc tại gia đình ông Hoàng Trung Dân ở dưới làng Tân Lập nên thường lên lán Nà Lừa báo cáo công việc với Bác. Hôm ấy, thấy Bác đang lên cơn sốt, miệng toàn nói mê, thuốc men chẳng có gì ngoài mấy viên thuốc cảm và ký ninh uống chẳng thấy đỡ, hiện tượng khác thường, chưa thấy ở Bác bao giờ, lo quá, tôi xin được ngủ lại với Bác. Đêm ấy, tỉnh dậy sau cơn sốt, người dặn dò như trăng trối: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”.
Được Bác tặng ngựa đi chữa bệnh
Gia đình ông Trần Văn Nhân, 70 tuổi, ở xóm Nà Lẹng xã Đồng Thịnh huyện Định Hóa luôn được bà con dân bản mến yêu, quý trọng. Sự vì nể không chỉ xuất phát từ nề nếp gia phong mà còn vì mẹ ông - cụ lang Páo là người từng sang Tân Trào chữa bệnh cho Bác Hồ khi xưa.
Ông Nhân kể: “Mẹ tôi tên thật là Hoàng Thị Liên, sinh năm 1894, dân tộc Sán Chí. Ngay từ nhỏ đã được ông bà ngoại dạy nghề bốc thuốc Nam. Từ các bài thuốc gia truyền cộng với sự lanh lợi, sáng ý, cụ bào chế được nhiều bài thuốc từ cây rừng, chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người. Con đầu lòng của cụ tên là Páo nên mọi người quen gọi là bà lang Páo.
Vào khoảng những năm 1940-1945, bà lang Páo đã nổi tiếng khắp các tỉnh tại khu vực về điều trị các chứng bệnh thường gặp ở phụ nữ, trẻ em, bó gãy xương và đặc biệt là các bệnh sốt rét, gan, thận… Thời kỳ này phong trào cách mạng đang bí mật, nhiều cán bộ hoạt động trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nên sức khỏe suy kiệt, mắc nhiều loại bệnh. Gia đình bà lang Páo trở thành cơ sở cách mạng, không những cắt thuốc không lấy tiền, bà còn thường xuyên đem thuốc vào rừng chữa bệnh cho cán bộ. Lần chữa bệnh đáng nhớ nhất trong cuộc đời bà lang Páo, cũng là niềm tự hào vô biên của con cháu bà và của cả nhân dân Thái Nguyên là bà đã được sang Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) chữa bệnh cho Bác Hồ”.
Ông Nhân kể tiếp: “Hôm đó, ông Lộc Văn Tư đến nhà mời mẹ tôi sang chữa bệnh cho Bác Hồ đang ốm nặng ở Tân Trào. Mẹ tôi lập tức chuẩn bị các loại thuốc rồi lên đường ngay. Suốt một tháng trời ròng rã, mẹ tôi cùng anh em bảo vệ sắc thuốc uống và thuốc tắm để Bác đẩy lui căn bệnh sốt rét ác tính. Trước khi về lại Định Hóa, mẹ tôi đã vinh dự được chụp ảnh cùng Bác và được Bác tặng một con ngựa để đi chữa bệnh”.
Sẵn sàng biếu nhân sâm
Ông Trần Văn Nhân nói rằng cụ lang Páo luôn cảm kích nhắc đến sự hào phóng của gia đình ông Ma Đình Tập ở Bản Cái xã Thanh Định huyện Định Hóa. Nếu không có nhân sâm ông Tập biếu thì rất có thể Bác Hồ đã khó qua khỏi. Hiện, tại Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng ATK Tân Trào, Bảo tàng ATK Định Hóa đều trưng bày các hiện vật về sự kiện gia đình ông Ma Đình Tập biếu sâm chữa bệnh cho Bác.
Con cháu ông Ma Đình Tập kể lại, hồi đó ông Tập làm Chánh tổng, nhà có của ăn của để từ thời các cụ để lại, trong đó có một vật được coi là vật báu gia truyền, là tài sản quý giá nhất của cả dòng họ Ma ở Bản Cái, đó là hộp sâm Cao Ly.
Thời trước, các nhà giàu thường tích trữ nhân sâm phòng khi bệnh trọng. Một tối, khi cả nhà đã ngủ say thì có tiếng gọi cửa, ông bà Tập dậy mở cửa thì thấy cán bộ đến hỏi mua sâm cho đoàn thể để bồi bổ sức khỏe cho một cán bộ thượng cấp. Ông bà đã tìm khóa mở chiếc hòm lấy ra hộp sâm quý giá. Trong hộp có một con sâm nguyên vẹn dài khoảng 13cm và nửa con đang dùng dở. Không chút ngần ngừ, gia đình đã trao toàn bộ số sâm để tặng cho ông cán bộ cao tuổi mà ông bà đoán là người rất quan trọng.
Ông Ma Đình Tập không may bệnh nặng, mất sau khi tặng sâm khoảng một tháng. Đến năm 1947, bà Ma Thị Mai, vợ ông đã được Tổng bộ Việt Minh trao tặng Giấy chứng nhận và đồng tiền vàng in chữ Tổ quốc ghi công. Chiếc hộp đựng sâm và phiên bản của nó hiện được trưng bày tại các bảo tàng để ghi nhớ và tri ân.
Ông Ma Đình Đồng, nguyên sĩ quan tham mưu - Quân khu Việt Bắc, con trai cụ Tập kể lại: “Khi bố tôi ốm nặng, người cán bộ mua sâm đã quay lại thăm và cho biết nhân sâm của gia đình đã được mang sang lán Nà Lừa ngay trong đêm để cứu chữa Bác Hồ qua cơn thập tử nhất sinh. Nghe vậy, bố tôi mãn nguyện không kể xiết. Gia đình tôi càng tự hào về quyết định của bố mẹ tôi”.
Cảm kích trước tấm lòng của nhân dân vùng Việt Bắc, giữa bộn bề việc nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian viết thư thăm hỏi. Trong thư gửi đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Bắc Giang ngày 20-3-1946, Bác viết: “Tôi luôn nhớ đến lúc tôi đau ốm, anh chị em săn sóc ân cần như ruột thịt. Vì vậy, người tôi tuy xa cách nhưng lòng tôi luôn luôn gần anh em…”.
Trong những năm chiến tranh sau này, các gia đình đã không còn giữ được những tấm ảnh, giấy chứng nhận và ghi công. Cả đồng tiền vàng của gia đình ông Ma Đình Tập cũng bị vùi trong bom đạn. Song, tình cảm của đồng bào chiến khu hướng về Đảng, về Bác thì mãi sắt son.
Bạch Liễu
Tags: