Một số lưu ý khi sử dụng nhân sâm
Nhân sâm là một trong bốn loại dược liệu quý, gồm: Nhân sâm, lộc nhung, nhục quế, phụ tử. Nhân sâm có tên khoa học là (Panax ginseng C. A. Mey.), do cách chế biến khác nhau nên có được các chế phẩm của nhân sâm khác nhau, như: Hồng sâm, bạch sâm, đại lực sâm...
Từ lâu, nhân sâm được Đông y ghi vào loại "thượng phẩm", nghĩa là có tác dụng tốt, không gây độc tính, được ghi vào đầu vị của dòng "bổ khí" với những công năng tuyệt vời: Đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân, định thần, ích trí... Nhân sâm được dùng để bổ khí, đặc biệt cho các trường hợp chân khí suy giảm, người mệt mỏi, vô lực, mới ốm dậy, trẻ em chậm lớn và tăng khả năng hồi phục cho mọi hoạt động cơ thể. Bên cạnh đó, nhân sâm còn có tác dụng chống và giảm căng thẳng của hoạt động thần kinh, nâng cao sức bền trong hoạt động thể thao; Cải thiện hoạt động tuần hoàn khí huyết, điều hòa ổn định hệ tim mạch, nhất là các triệu chứng tim hồi hộp, loạn nhịp. Đồng thời, có tác dụng làm tăng sức đề kháng và tăng khả năng miễn dịch, giúp cho chế độ làm việc dẻo dai hơn, tạo điều kiện để tăng năng suất lao động; Làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể, giúp cơ thể vượt qua những thay đổi khắc nghiệt của môi trường và hỗ trợ tích cực trong phòng, điều trị bệnh ung thư…
Tuy nhiên, khi sử dụng nhân sâm cần lưu ý đến một số vấn đề sau: Thứ nhất, núm rễ của củ sâm (còn gọi là lô sâm), để giữ được các hoạt chất khi chế biến và để tạo dáng cho nhân sâm (giống như cái đầu người), người ta đã giữ nó lại. Lô sâm, không có tác dụng bổ, trái lại còn gây ra cảm giác buồn nôn. Do đó cần cắt bỏ đi, trước khi sử dụng. Thứ hai, khi sử dụng nhân sâm cần lưu ý tới tác dụng phụ của loại dược liệu được coi là bổ nhất này. Những người có các triệu chứng đau bụng thuộc "thể hàn", đau bụng "tiết tả", tức đau bụng ỉa chảy, đầy bụng, trướng bụng..., nếu dùng nhân sâm sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó, những người cao huyết áp cũng không nên dùng nhân sâm; những người hay mất ngủ tránh dùng sâm vào buổi chiều và buổi tối.
Bác sĩ Quốc Tuấn
Tags: