Người khỏe, tóc trẻ
TT - Theo y học cổ truyền, tóc bạc sớm là do thận suy yếu, vì thận tàng tinh, mà tinh chính là cơ sở quyết định sự sống của con người.
Tám vị thuốc hà thủ ô đỏ, nhân sâm, linh chi, hồng hoa, hạn liên thảo, ngũ bội tử, kỳ tử, tô mộc... - Ảnh: N.C.T.
Tinh sinh huyết, huyết đầy đủ và nuôi dưỡng tốt thì tóc đen nhuận, nếu thận hư huyết kém sẽ làm tóc bạc sớm.
Gần đây trên thị trường xuất hiện những loại thuốc nhuộm tóc với thành phần được công bố gồm toàn thảo dược. Trong đó có những vị thuốc sau:
Bạc đầu vì lo nghĩ
Theo nghiên cứu của Karin Schallreuter thuộc Đại học Bradfort (Anh) cùng một số chuyên gia Đức, ở những người bị lão hóa, sống trong môi trường ô nhiễm, hay căng thẳng, lo nghĩ, có thói quen hút thuốc, sử dụng nhiều chất cồn, chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, không luyện tập thường xuyên, hàm lượng hydrogen peroxit (là chất tẩy màu tóc) tích tụ ở chân tóc nhiều hơn người bình thường và chất này đã gây cản trở sự hình thành sắc tố của tóc, làm tóc bạc.
Theo nghiên cứu của Karin Schallreuter thuộc Đại học Bradfort (Anh) cùng một số chuyên gia Đức, ở những người bị lão hóa, sống trong môi trường ô nhiễm, hay căng thẳng, lo nghĩ, có thói quen hút thuốc, sử dụng nhiều chất cồn, chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, không luyện tập thường xuyên, hàm lượng hydrogen peroxit (là chất tẩy màu tóc) tích tụ ở chân tóc nhiều hơn người bình thường và chất này đã gây cản trở sự hình thành sắc tố của tóc, làm tóc bạc.
1. Hà thủ ô đỏ (tên khoa học là Polygonum multiflorum). Trong rễ có chứa lexitin, là thành phần chủ yếu của thần kinh hệ, khi sắc uống chất này dễ hấp thu nên hà thủ ô đỏ có tác dụng chống suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, chống thiếu máu.
Nhưng để tăng cường tác dụng tráng dương, bổ thận, đen râu tóc, khỏe gân cốt, bền tinh khí, tăng tuổi thọ thì hà thủ ô cần được chế biến với đậu đen theo phương pháp “cửu chưng cửu sái” (chín lần chưng, chín lần phơi) để nước đậu đen thấm sâu vào hà thủ ô. Ngoài ra đậu đen còn chứa hợp chất anthoxyanidin có tác dụng chống ôxy hóa tế bào, loại trừ các gốc tự do gây hại cho cơ thể.
2. Nhân sâm (Panax ginseng). Vị ngọt, đắng, tính ôn và bổ cả năm tạng tâm, can, tỳ, phế, thận. Tác dụng hưng phấn tinh thần, giảm mệt, giảm stress, giúp sáng mắt, tăng tuổi thọ, tăng trí nhớ.
Mới đây một cuộc nghiên cứu khoa học đã bổ sung cho nhân sâm nhiều tác dụng mới: cấu tạo hồng cầu, bảo vệ cơ thể chống lại chứng thiếu máu, huyết áp thấp, bệnh tim. Ngày dùng 2-6g, ngậm hoặc nấu sôi lấy nước uống.
3. Linh chi (Ganoderma lucidum). Dân gian có câu: “Linh chi dùng lâu ngày, mình nhẹ, trẻ mãi như thần tiên”. Theo nghiên cứu của nhiều tác giả trên thế giới, trong nấm linh chi có gần 100 chất. Các nhóm chất có hoạt tính sinh học là: protein, polisaccarit, tritecpen, steroit, ancaloit, nucleotit, axit béo, kháng sinh và rất nhiều nguyên tố vi lượng, đặc biệt là germanium, vanadium, crôm...
Những chất này đã được khẳng định là nhân tố quan trọng cho nhiều loại phản ứng chống ung thư, dị ứng, lão hóa, xơ vữa, đông máu nội mạch, giúp điều chỉnh dẫn truyền thần kinh, bảo vệ cấu trúc của nhân tế bào, tăng cường sức đề kháng, chống ôxy hóa tế bào và phục hồi hệ miễn dịch.
4. Hồng hoa (Carthamus tinctorius). Có chứa một sắc tố màu đỏ gọi là cactamin. Hồng hoa có tác dụng phá ứ huyết, sinh huyết mới, dùng để chữa bế kinh, sản hậu ứ huyết, đau bụng kinh, thai chết lưu. Còn dùng để làm thuốc nhuộm trong thực phẩm vì không có độc tính.
5. Hạn liên thảo (cỏ mực, cỏ nhọ nồi- Eclipta alba). Toàn cây có chứa tanin, caroten, ancaloit (ecliptin), cumarin lacton, flavonozit và vitamin K. Cỏ mực tính mát, tác dụng lương huyết, chỉ huyết, bổ can thận, chữa lỵ ra máu, chảy máu cam, trĩ, rong kinh, trẻ em bị đẹn, ho, viêm họng. Dùng ngoài chữa nấm da, phỏng do vôi, làm thuốc nhuộm tóc và kích thích mọc tóc.
6. Ngũ bội tử (Galla sinensis). Là những túi đặc biệt do nhộng của con sâu ngũ bội tử gây ra trên cuống lá và cành của cây muối (Rhus sinensis). Hoạt chất chính là tanin, khi cho tác dụng với muối clorua sắt sẽ cho tủa màu xanh đen đậm. Tanin có tác dụng làm se niêm mạc, cầm máu, làm giảm tiết dịch rỉ ở vết thương nên giúp niêm mạc khô ráo.
7. Kỷ tử (khởi tử - Lycium sinense). Quả có chứa nhiều caroten, betain, vitamin C và nhiều khoáng tố. Đông y coi đây là vị thuốc bổ toàn thân, bổ tinh khí, giúp cho người trẻ lâu.
8. Tô mộc (Caesalpinia sappan). Có chứa tanin, axit galic, chất màu sappanin và brasilin. Tô mộc có tác dụng hoạt huyết khử ứ, thường dùng chữa lỵ ra máu, bế kinh, sưng tấy, huyết ứ sau sinh, dùng ngoài làm thuốc rửa vết thương. Người ta còn chiết lấy chất màu để làm phẩm màu trong thực phẩm và làm thuốc nhuộm.
Như vậy qua phân tích các vị thuốc trên phần lớn là thuốc bổ can thận, hoạt huyết tiêu ứ, tăng lực, chống lão hóa, giúp khí huyết lưu thông, làm đen râu tóc, trong đó hà thủ ô được sử dụng nhiều nhất. Không vị nào có độc. Việc sử dụng các thảo dược này làm thuốc nhuộm tóc sẽ hoàn toàn không nguy hại cho người dùng nếu quy trình chế biến đúng tiêu chuẩn, đã được thử nghiệm và được ngành y tế thẩm tra cấp phép. Điều cần nói ở đây là khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nhuộm nào, cho dù từ thảo dược hay chất hóa học, thì chỉ giải quyết được phần ngọn.
Để giải quyết phần gốc, chúng ta nên ăn uống điều độ, đủ chất (ăn nhiều rau, củ, quả...chứa nhiều khoáng tố, sinh tố, chất chống ôxy hóa tế bào), tập thể dục, suy nghĩ tích cực, chống stress. Nếu cần có thể ăn hoặc uống thêm thuốc sắc từ thảo dược thiên nhiên như mộc nhĩ, đậu đen, quả dâu tằm, cà rốt, thục địa, quy bản, nhục thung dung, lộc nhung, bổ cốt chỉ, ngưu tất, đan sâm, đương quy, bạch thược, long nhãn, lá móng... để ích tinh, bổ huyết.
Tags: